Người theo dõi

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

TỔNG QUAN NGHỀ - CHUYÊN VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU

https://www.kienthuchuongnghiep.com/2020/05/tong-quan-nghe-chuyen-vien-xuat-nhap-khau.html


Thương mại quốc tế là một lĩnh vực cực kì sôi động hiện nay và ngày càng phát triển trong tương lai bởi xu thế hội nhập, toàn cầu hóa là tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Đất nước Việt Nam chúng ta cũng không thể nằm ngoài xu thế này.

Nhưng bất kì một hoạt động nào của xã hội cũng đều được vận hành bởi con người. Chính vì thế sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại quốc tế cũng kéo theo nhu cầu cực kì lớn về nhân lực. 

Trong đó có một bộ phận nhân sự không nhỏ là những người làm nghề CHUYÊN VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU.
Nghe cái tên thì cũng nói lên một chút. Nhưng để biết được cụ thể:
- Nghề CHUYÊN VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU thì làm những việc gì?

- Nghề này thì làm việc ở đâu? cơ hội việc làm và thăng tiến ra sao? v.v.

- Liệu bạn có phù hợp với nghề này hay không?

- Làm sao để bạn học được nghề này?

Tất cả những câu hỏi đó sẽ được Kiến thức hướng nghiệp giải đáp trong bài viết này.

HƯỚNG NGHIỆP - NGHỀ CHUYÊN VIÊN XUẤT NHẬP KHẨU

1. Tên nghề:
- Tên nghề trong Tiếng Việt: Chuyên viên xuất nhập khẩu.

- Tên nghề trong Tiếng Anh:  Import & Export Staff

 2. Nhiệm vụ chủ yếu gồm:

Lĩnh vực thương mại quốc tế là một lĩnh vực rất rộng lớn. Nhưng nói chung một chuyên viên xuất nhập khẩu sẽ làm các công việc như:

2.1. Phải thông thạo luật pháp và tập quán thương mại quốc tế;

2.2 Nghiên cứu thị trường quốc tế, thị trường nội địa và xác định các sản phẩm thương mại; điều kiện kinh doanh mặt hàng đó.

2.3. Tìm kiếm đối tác thương mại: bao gồm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc đối tác tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

2.4. Đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại quốc tế.

2.5. Thực hiện các thủ tục và chứng từ xuất nhập khẩu phù hợp với hợp đồng đã ký, luật pháp và tập quán thương mại quốc tế.

2.6. Điều phối hoạt động hậu cần và vận tải hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. từ việc đóng gói, lưu kho, bảo quản và sếp đặt hàng hóa lên phương tiện vận tải sao cho hợp lý nhất đến việc chọn phương thức vận tải phù hợp để đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ một cách tối ưu.

2.7. Thông thạo về tiền tệ quốc tế để tránh những rủi ro về thanh toán quốc tế, tỉ giá hối đoái,...

3. Năng lực thiết yếu

Năng lực phân tích – logic

4. Năng lực bổ sung

Năng lực làm việc với con người


https://www.kienthuchuongnghiep.com/2020/05/tong-quan-nghe-chuyen-vien-xuat-nhap-khau.html

5. Một số công việc chuyên sâu:

5.1. Nhân viên kinh doanh quốc tế

Nhân viên kinh doanh quốc tế lại chia ra:

- Nhân viên phòng mua hàng là người làm việc tìm kiếm nhà cung cấp hàng hóa ở nước khác để nhập khẩu và kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

- Bắt cặp với nhân viên phòng mua chính là nhân viên bán hàng quốc tế. Đó là người làm việc tìm kiếm đối tác mua hàng của mình để tiêu thụ ở các nước khác.
Hai người này sẽ gặp gỡ và đàm phán kí kết hợp đồng với nhau

5.2. Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu

Đây là người làm việc liên quan đến các chứng từ thương mại, các thủ tục xuất nhập khẩu và các công việc để lưu chuyển hàng hóa từ người mua tới người bán.

5.3. Nhân viên hiện trường xuất nhập khẩu.

Nếu như 2 công việc ở trên chủ yếu làm việc tại văn phòng thì nhân viên hiện trường là người làm việc trực tiếp tại kho bãi, cảng biển, sân bay, cửa khẩu, và cơ quan hải quan, hãng tàu,…để điều phối việc lưu chuyển hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu theo đúng hợp đồng đã kí kết.

Nhìn chung việc phân chia công việc chỉ mang ý nghĩa tương đối. 

Với những công ty lớn thì một phòng xuất nhập khẩu có rất nhiều người và mỗi người lại chuyên làm một việc nào đó.

Nhưng với công ty nhỏ, có khi toàn bộ hoạt động xnk chỉ có một người làm.

7. Nghề này phù hợp với ai

 7.1. Công việc Nhân viên kinh doanh quốc tế sẽ phù hợp với những bạn yêu thích và có khả năng về kinh doanh, quản lý. Thích làm việc, quan hệ, hợp tác hay lãnh đạo người khác vì mục tiêu lợi nhuận.
=> tương ứng với nhóm Quản lý trong trắc nghiệm mật mã holland.

 7.2. Công việc nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu sẽ phù hợp với những bạn có đặc điểm là yêu thích và có khả năng làm việc với dữ liệu, con số, hồ sơ, chứng từ. Người có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết, thích làm việc theo quy trình lặp đi lặp lại.

=> tương ứng với nhóm Nghiệp vụ trong trắc nghiệm mật mã holland.

 7.3. Công việc nhân viên hiện trường sẽ phù hợp với những bạn vừa có khả năng làm việc với hồ sơ chứng từ, có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng cũng là người thích làm việc, giao tiếp với người khác.
Như vậy công việc này cần cả 2 nhóm Nghiệp vụ và xã hội.

Để biết mình thuộc nhóm Holland nào thì hãy xem ngay bài giảng về Trắc nghiệm mật mã holland tại đây.

8. Nơi làm việc - cơ hội việc làm

8.1 Nghề chuyên viên xuất nhập khẩu có thể làm việc tại rất nhiều nơi như:


+ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu

+ Các công ty sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

+ Các công ty dịch vụ xuất nhập khẩu và logistics…vv

Nói chung nghề này có nhu cầu tuyển dụng rất cao nên không sợ không có việc làm? Chỉ là việc làm nào ở đâu mà thôi?

Mức lương khởi điểm khi mới ra trường khoảng 7 đến 8 triệu. Nếu như bạn có năng lực tốt, giỏi ngoại ngữ, làm việc trong các công ty lớn hoặc các công ty nước ngoài thì mức thu nhập có thể lên tới 1000 USD là bình thường.

8.2. Về con đường phát triển nghề nghiệp 


Bạn có thể đi từ nhân viên mới vào nghề cho tới chuyên viên giỏi,  trưởng phòng xuất nhập khẩu, rồi giám đốc trong các công ty lớn, hoặc có thể tự mở công ty riêng,…

Nói chung là cơ hội thăng tiến nhiều vô kể. Chỉ là bạn có đủ khả năng, dám nghĩ dám làm hay không mà thôi.

Mình có thể liệt kê dưới đây một vài yêu cầu nhất định nếu bạn muốn thăng tiến trong nghề này:

Một là, thật giỏi chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực của bạn. 
Nghề này không phải chỉ dùng chóp lưỡi đầu môi mà phải có năng lực tốt thực sự. Điều đó sẽ thể hiện qua hiệu quả công việc mà bạn làm.

Hai là, sử dụng tốt ngoại ngữ trong công việc.
Ngoại ngữ nào cũng được, Anh, Hàn, Nhật, Trung,… gì cũng đều tốt hết. Đất dụng võ rất nhiều.

Ba là, xây dựng nhiều mối quan hệ tốt. 
Trong ngành xuất nhập khẩu rộng lớn này, bạn không thể biết hết mọi thứ, làm hết mọi việc. Vì vậy  có mạng lưới quan hệ tốt sẽ  giúp ích rất nhiều trong công việc cũng như có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt, hay cơ hội hợp tác làm ăn.

Bốn là, rèn luyện có một sức khỏe tốt. 
Vì càng thăng tiến lên vị trí cao thì công việc càng nhiều, trách nhiệm càng lớn, áp lực càng cao. Nếu không có sức khỏe tốt, bền bỉ thì bạn khó mà trụ lại và bước lên những bậc thang cao hơn trong nghề nghiệp được.

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất để bạn thăng tiến là niềm đam mê và có chí cầu tiến. 
Bởi vì không có đam mê bạn sẽ sớm từ bỏ, không có chí cầu tiến thì bạn sẽ mãi an phận là một anh nhân viên bình thường mà thôi.

Bất kể xuất phát điểm của bạn ở đâu, Nếu hội tụ đủ 5 yếu tố này, không chóng thì chầy bạn sẽ thành công thôi.

9. Con đường học nghề

Có rất nhiều con đường học nghề chuyên viên xuất nhập khẩu:

- Con đường thứ nhất và là con đường thẳng nhất không gì thẳng hơn là:
Học chuyên ngành Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế, Kinh tế đối ngoại,…

- Con đường thứ hai, hơi lòng vòng một chút xíu:
Đó là học các chuyên ngành thuộc khối kinh tế như kinh tế phát triển, quản trị kinh doanh, marketing, thậm chí là kế toán,…vv

Hoặc các chuyên ngành có thêm yếu tố kĩ thuật như các chuyên ngành về logistics, kinh tế vận tải,..

Sau đó  học thêm một khóa nghiệp vụ xuất nhập khẩu ngắn hạn ở trường hoặc ở các trung tâm đào tạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu khác là có thể làm được nghề này rồi.

- Con đường thứ ba dường như vòng vèo nhất.

Nếu như bạn học các chuyên ngành chẳng có một tẹo gì liên quan đến nghề này cả như là  sư phạm, công nghệ thông tin, cơ khí… nhưng bạn thấy không thích mà hứng thú vs nghề xuất nhập khẩu.

Thì bạn có thể học thêm một chuyên ngành thứ hai như: Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Thương mại quốc tế.. hoặc quản trị kinh doanh,..là tốt nhất.

 Còn nếu điều kiện không cho phép, bạn cứ học một khóa nghiệp vụ xuất nhập khẩu rồi bắt đầu ứng tuyển ở những công ty nhỏ hoặc những công việc không yêu cầu quá cao. Rồi bạn từ từ vừa làm vừa học hỏi để nâng cao nghiệp vụ của bản thân. 

Nghề chuyên viên xuất nhập khẩu không cần quá giỏi, quá thông minh để làm. Quan trọng vẫn là kiên trì vượt khó thôi bạn.

Xem đến Đây các bạn học trái ngành mà muốn làm xuất nhập khẩu chắc vui lắm nhỉ

10. Ví dụ các trường đào tạo nghề

Có rất nhiều trường đào tạo những chuyên ngành trên. Có thể kể đến một vài trường top đầu như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Hàng hải,…

Nếu bạn muốn biết mình nên chọn ngành nào trường nào phù hợp nhất thì có thể tham khảo trên 
Website: thongtintuyensinh.vn


Tài liệu tham khảo:
Sách tra cứu nghề nghiệp/ Gideon Arulmani, Dao Trong Do, Hoang Gia Trang, Le Dong Phuong, Nguyen Huong Tra, Nguyen Thi Le Huong - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)


NẾU BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH THÌ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY GIÚP CHÚNG MÌNH NHÉ !

            

0 nhận xét:

Đăng nhận xét