Người theo dõi

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

MUỐN BIẾT NÊN HỌC NGÀNH GÌ, HỌC NGHỀ GÌ, BẠN KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT CÔNG CỤ NÀY (TRẮC NGHIỆM NGHỀ NGHIỆP MẬT MÃ HOLLAND)

hướng dẫn chi tiết cách sử dụng trắc nghiệm nghề nghiệp theo lý thuyết nghề nghiệp của John Holland  trong hướng nghiệp

Phải chăng bạn đang hoang mang lo lắng vì sắp phải chọn ngành, chọn nghề rồi mà bạn vẫn chưa biết mình phù hợp với lĩnh vực gì cả?

Hoặc là bạn đang phân vân không biết liệu ngành nghề mình đang chọn có thực sự phù hợp với bạn hay không?

Muốn biết nên chọn ngành gì, học nghề gì, bạn không thể không biết bộ công cụ mà mình sắp chia sẻ với bạn ngay bây giờ.
Bộ công cụ này giúp cho các bạn trả lời được câu hỏi:
  • Bạn là ai? (trong hướng nghiệp)
  • Bạn phù hợp với ngành nghề nào?
  • Ngành nghề bạn đang dự định có thực sự phù hợp hay không?
Bộ công cụ mà mình đang nói tới có tên:

TRẮC NGHIỆM NGHỀ NGHIỆP MẬT MÃ HOLLAND


Bộ công cụ này dựa trên lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp của nhà tâm lý học John Holland. Đây là lí thuyết rất thực tế, dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học và được các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong và ngoài nước Mỹ sử dụng nhiều nhất. Muốn biết thêm về tính khoa học của lý thuyết các bạn có thể đọc thêm wikipedia về John Holland.

Tại sao chúng ta nên dùng công cụ trắc nghiệm nghề nghiệp này.


Bộ trắc nghiệm này có ưu điểm là: miễn phí, dễ thực hiện, dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học và rất phù hợp với văn hóa người Việt Nam.

Hai luận điểm giá trị về hướng nghiệp của lý thuyết Mật mã Holland.


Đây là hai luận điểm cơ bản và rất giá trị trong hướng nghiệp. Các bạn nhớ kĩ hai luận điểm này nha.:

Luận điểm 1: Nếu một người chọn được công việc phù hợp với đặc tính cá nhân của họ thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm việc trong môi trường tương tự như đặc tính cá nhân của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.


Luận điểm 2: Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu đặc tính cá nhân và có 6 môi trường hoạt động nghề nghiệp tương ứng với 6 kiểu đặc tính cá nhân, đó là: Nhóm kĩ thuật (KT); Nhóm nghiên cứu (NC); Nhóm nghệ thuật (NT); Nhóm xã hội (XH); Nhóm quản lí (QL); Nhóm nghiệp vụ (NV). 

Từ bây giờ mình sẽ gọi tắt 6 nhóm đặc tính nghề nghiệp theo lí thuyết mật mã Holland - là NHÓM HOLLAND để cho đơn giản các bạn nhé. Mô tả của 6 NHÓM HOLLAND được thể hiện trong hình dưới đây:

Hướng nghiệp - Nội dung Biểu đồ 6 nhóm nghề nghiệp theo lý thuyết trắc nghiệm nghề nghiệp mật mã Holland Nhóm 1: kĩ thuật: “Người hành động” Đây là những người thích hoặc có khả năng làm việc tốt với các vật cụ thể, máy móc, dụng cụ, cây cối hoặc con vật, hoặc thích làm việc ngoài trời.  Nhóm 2: nghiên cứu: “Người tư duy” Đây là những người thích quan sát, học hỏi, tìm tòi, khám phá, tra cứu, phân tích, đánh giá hoặc giải quyết vấn đề. Nhóm 3: Nghệ thuật  - “Người kiến tạo” Đây là những người có khả năng nghệ thuật, sáng tác , trực giác và thích làm việc trong các tình huống không có kế hoạch trước như dùng trí tưởng tượng và sáng tạo. Nhóm 4: Xã Hội  - “Người giúp đỡ” Đây là những người thích làm việc với con người, thích soi sáng, giúp đỡ, truyền đạt thông tin, huấn luyện hoặc chữa trị cho người khác hoặc có kỹ năng về ngôn ngữ Nhóm 5: Quản lý - “Người thuyết phục” Đây là những người thích làm việc với con người, thích ảnh hưởng, thuyết phục, thể hiện, lãnh đạo hoặc quản lý con người vì các mục tiêu của tổ chức hoặc lợi ích kinh tế. Nhóm 6: Nghiệp vụ - “Người sắp xếp” Đây là những người thích làm việc với dữ liệu, con số, có khả năng làm việc văn thư, lưu trữ, thống kê thực hiện các công việc đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận hoặc làm theo sự hướng dẫn của người khác. Trong thực tế, tính cách của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm tính cách mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm tính cách, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu – Kĩ thuật, Nghệ thuật – Xã hội… Do đó, khi tìm hiểu bản thân có thể phải xem xét nhiều hơn một nhóm tính cách để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.
Trong thực tế, đặc điểm của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm đặc tính mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm đặc tính, có khi còn nhiều hơn. Ví dụ: Nghiên cứu – Kĩ thuật, Nghệ thuật – Xã hội… 

=> Khi tìm hiểu bản thân phải xem xét nhiều hơn một nhóm đặc tính để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.

CÁCH LÀM TRẮC NGHIỆM NGHỀ NGHIỆP MẬT MÃ HOLLAND


Cách 1: Trắc nghiệm nghề nghiệp dựa trên mô tả tổng quát

  • Đọc thật kĩ mô tả đặc điểm tổng quát của 6 nhóm trong hình lục giác trên.
  • Xác định xem bản thân bạn có sở thích công việc, khả năng, tính cách có nhiều điểm giống với mô tả của những nhóm nào nhất. Chọn tối đa 3 nhóm (nhóm giống nhất, giống nhì, giống thứ ba). 
  • Nếu có đặc điểm giống với quá nhiều nhóm (>3) thì suy nghĩ và xác định xem bạn sẽ lựa chọn làm việc trong những nhóm nào. Chọn ra tối đa 3 nhóm.
  • Ghi lại kết quả này để sử dụng trong bước hướng nghiệp tiếp theo như định hướng ban học, ngành học, chuyên ngành, nghề nghiệp,…

Cách 2: Trắc nghiệm nghề nghiệp lượng giá 

    Bạn nhấp vào đường link sau để làm bài trắc nghiệm lượng giá. Chỉ mất khoảng 10-15p thôi không lâu đâu. Nhớ đọc kĩ hướng dẫn làm bài.
    - Làm trắc nghiệm trên giấy ( bạn tải bản pdf rồi in ra và làm theo hướng dẫn nha): Tải TRẮC NGHIỆM MẬT MÃ HOLLAND BẢN PDF tại đây
    • Dựa vào kết quả bài trắc nghiệm để xác định những nhóm có điểm cao nhất. Chọn tối đa 3 nhóm (nhóm cao nhất, cao nhì, cao thứ ba). 
    • Nếu có nhiều nhóm có điểm cao xấp xỉ nhau (>3) thì suy nghĩ và xác định xem bạn sẽ lựa chọn làm việc trong những nhóm nào. Chọn ra tối đa 3 nhóm.
    • Ghi nhớ kết quả này để sử dụng trong các bước hướng nghiệp tiếp theo như định hướng ban học, ngành học, chuyên ngành, nghề nghiệp,…

    Nếu hai cách trắc nghiệm cho kết quả  khác nhau thì chọn kết quả nào.

    Bạn cần lưu ý: bài trắc nghiệm lượng giá đôi khi cho kết quả không chính xác tuyệt đối vì:
    - Một là các bạn còn có ít trải nghiệm .
    - Hai là có những tình huống các bạn chưa từng trải nghiệm qua hoặc đã trải qua các tình huống tương tự nhưng không có trong bài trắc nghiệm. 
    => Chỉ nên sử dụng kết quả bài trắc nghiệm này để tham khảo, đối chiếu với cách 1 - trắc nghiệm nghề nghiệp dựa trên mô tả tổng quát.


    - Nếu bạn có cơ hội được gặp chuyên viên tư vấn hướng nghiệp hỗ trợ, tham vấn, phân tích kết quả bài trắc nghiệm thì là tốt nhất. 
    - Nhưng nếu bạn chưa có cơ hội đó thì các bạn dựa trên sự thấu hiểu về đặc điểm của bản thân mình để tự đánh giá và xác định nhóm nghề nghiệp theo mật mã Holland mà bạn thấy giống bạn nhất hoặc bạn muốn làm việc trong nhóm đó nhất.
    Làm được đến đây là bạn đã gần tới đích rồi. Chúc mừng bạn. Chúng ta đi tiếp nhé!

    Sử dụng kết quả trắc nghiệm nghề nghiệp mật mã Holland như thế nào?

    Cách sử dụng trắc nghiệm này rất đơn giản:
    - Bạn có đặc điểm thuộc nhóm Holland nào thì bạn sẽ có khả năng cao phù hợp với những ngành nghề thuộc nhóm Holland đó.
    - Những nhóm Holland mà bạn không có là nhóm chống chỉ định. Nếu bạn chọn ngành, chọn nghề thuộc nhóm chống chỉ định này thì khả năng bạn chọn sai ngành, sai nghề là rất cao.
    Dưới đây là một số nghề nghiệp gợi ý cho từng nhóm.

    Tuy nhiên những kiến thức hôm nay mình chia sẻ cho các bạn cũng khá nhiều rồi. Bạn cần thời gian để ngâm cứu lý thuyết và thực hành làm trắc nghiệm nghề nghiệp. Chắc chắn một số nghề gợi ý ở trên là chưa đủ để bạn cảm thấy hài lòng cho một lựa chọn nghề nghiệp. Mình biết bạn rất muốn tìm được câu trả lời ngay lúc này.
    Trong bài này bạn đã trả lời được câu hỏi:
    - Bạn là ai? (trong hướng nghiệp): nghĩa là bạn đã hiểu mình có đặc điểm thuộc nhóm nghề nghiệp nào theo lý thuyết mật mã Holland rồi.
    Mình sẽ để dành 2 câu hỏi:
    • Bạn phù hợp với ngành nghề nào?
    • Ngành nghề bạn đang dự định có thực sự phù hợp hay không?
    cho bài viết sau. Mình sẽ cập nhật link ở đây. Các bạn nhớ theo dõi tiếp nhé.

    Bài viết này được trích từ nguồn sau:

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét