Người theo dõi

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

TỔNG QUAN NGÀNH MARKETING

HƯỚNG NGHIỆP TỔNG QUAN NGÀNH MARKETING - Bài viết này sẽ mang tới những thông tin tổng quát, chắt lọc và hữu ích nhất để giúp bạn đọc có được cái nhìn TỔNG QUAN VỀ NGÀNH MARKETING.  Bây giờ mời bạn đọc hãy cùng Kiến thức hướng nghiệp tìm hiểu tiếp nhé.


MỤC LỤC

0. Bài giảng video - Tổng quan ngành Marketing

1. Ngành Marketing là ngành gì?

2. Ngành Marketing đào tạo những gì?

3. Học Marketing có thể làm những công việc gì?

4. Ngành Marketing phù hợp với ai?

5. Các trường đào tạo hàng đầu về Marketing

6. Kết luận

                                


Marketing là một ngành học được rất nhiều các bạn học sinh sinh viên lựa chọn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên khi lựa chọn ngành học này, nhiều bạn còn khá mù mịt về thông tin, không hiểu rõ về ngành này:

- Thật ra ngành Marketing là ngành gì? 

- Học Marketing thì học cái gì?  

- Học ra thì làm những công việc nào?

Trong khi đó nhiều bạn khác và nhiều bậc phụ huynh thì lầm tưởng marketing là làm bán hàng, tiếp thị như mấy chị chân dài đi tiếp thị dầu gội, mỹ phẩm,...nên không cho con em mình theo học ngành này.

Việc thiếu thông tin, thông tin sai lệch dẫn đến hệ lụy là nhiều học sinh, sinh viên chọn sai ngành sai nghề. Đến khi các bạn nhận ra mình sai thì đã khá muộn màng.
 
Chính vì vậy Kiến thức hướng nghiệp thực hiện bài viết này để cung cấp một số thông tin tham khảo cho các bậc phụ huynh và các em học sinh trong quá trình định hướng nghề nghiệp trong ngành Marketing.

Bài viết này sẽ mang tới những thông tin tổng quát, chắt lọc và hữu ích nhất để giúp bạn đọc có được cái nhìn TỔNG QUAN VỀ NGÀNH MARKETING

Bây giờ mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tiếp nhé.

 TỔNG QUAN NGÀNH MARKETING

0. Bài giảng video - Tổng quan NGÀNH MARKETING

VIDEO WAITING

1. NGÀNH MARKETING  LÀ GÌ?

Marketing là một thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng, không có một từ tiếng Việt nào có thể truyền tải được đầy đủ ý nghĩa của nó. Vì vậy khi du nhập vào Việt Nam, người ta vẫn giữ nguyên hình thức tiếng Anh của nó. 

Marketing có hình thức danh động từ, chỉ các hoạt động làm việc với thị trường (market) nhằm thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của các bên thông qua việc thực hiện các cuộc trao đổi.

Cụ thể bên bán trao cho bên mua hàng hóa, dịch vụ mà mình có để nhận lại lợi nhuận tiền bạc, còn bên mua trả tiền cho bên bán để nhận được hàng hóa, dịch vụ giúp thỏa mãn nhu cầu của mình.

Nhưng hoạt động trao đổi không phải tự nhiên mà diễn ra. Bên bán bằng cách nào đó phải tìm ra được nhu cầu của khách hàng, sản xuất ra những hàng hóa vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa phải phù hợp với túi tiền của khách hàng, thì người ta mới mua.

Ngược lại, khách hàng với sự khôn ngoan của mình cũng tìm cách để mua được hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của mình với cái giá thấp nhất. Những hoạt động mà hai bên  đang làm chính là marketing. Marketing giúp cho hoạt động trao đổi diễn ra và diễn ra nhiều lần.

Marketing bao gồm rất nhiều các hoạt động khác nhau như: 

- Nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu, thị hiếu, đặc điểm của khách hàng

- Xác định phân khúc khách hàng

- Xác định sản phẩm kinh doanh phù hợp

- Phân phối hợp lý đến người tiêu dùng

- Các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng

- Chiến lược cạnh tranh để tồn tại và phát triển. 

- Các hoạt động hậu mãi, chăm sóc khách hàng, nhằm  tạo mối quan hệ lâu bền với khách hàng.

Như vậy có thể nói hoạt động marketing gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt marketing càng quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường - trăm người mua, vạn người bán, đầy rẫy sự cạnh tranh khốc liệt như ngày này. Người ta vẫn nói thương trường là chiến trường mà.

Đó là khái niệm chung về marketing. Nhưng ngành Marketing đào tạo những gì thì chúng ta tìm hiểu tiếp phần 2 nhé.

 2. NGÀNH MARKETING ĐÀO TẠO NHỮNG GÌ?

Ngành học MARKETING là ngành học đào tạo ra nguồn nhân lực làm việc liên quan đến các hoạt động marketing của doanh nghiệp, tổ chức,...

Ngành Marketing đào tạo cho sinh viên một cách hệ thống các kiến thức và kĩ năng nền tảng về Marketing hiện đại như: 

- Nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu khách hàng và hành vi người tiêu dùng; 

- Quản trị marketing, phát triển sản phẩm mới, 

- Định giá, phân phối và bán hàng, 

- Truyền thông và quan hệ công chúng, quản trị thương hiệu, digital marketing… 

- Các kĩ năng ngoại ngữ, tin học, kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, nói chuyện trước công chúng, kĩ năng hợp tác và làm việc nhóm,...

Nhìn chung các em được đào tạo rất toàn diện để có hành trang tốt nhất cho quá trình tìm việc và phát triển nghề nghiệp sau này.

3. HỌC MARKETING CÓ THỂ LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ?

Đây là một câu hỏi mà có lẽ là các bạn học sinh sinh viên cũng như các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. 

Vậy thì sau khi tốt nghiệp ngành marketing, tôi hay con em tôi có thể làm những công việc gì?.

Sẽ không có một câu trả lời chung cho tất cả. Vì làm nghề gì còn tùy thuộc vào định hướng riêng của mỗi người, không có ai giống ai cả. Trường Đại học chỉ trang bị kiến thức, kĩ năng, còn việc vận dụng vào nghề nghiệp ra sao lại là sự năng động riêng của mỗi người. Sau đây Kiến thức hướng nghiệp đưa ra một vài nghề nghiệp gợi ý:

3.1 Nghiên cứu marketing

Hoạt động nghiên cứu marketing là hoạt động nền tảng, cơ bản và rất quan trọng trong hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Nghiên cứu marketing bao gồm nghiên cứu thị trường và nghiên cứu, đánh giá hoạt động marketing mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện. 

Từ kết quả của những nghiên cứu đúng thì các nhà quản trị mới có thể ra những chiến lược và quyết định đúng đắn.

Một chuyên viên nghiên cứu làm các nhiệm vụ như:

- Nghiên cứu thị trường: nghiên cứu đặc điểm thị trường của doanh nghiệp, các yếu tố tác động và dự báo xu hướng vận động của thị trường,

- Nghiên cứu đặc điểm, tâm lý, và các yếu tố tác động đến hành vi mua của người tiêu dùng: phân tích và dự đoán những phản ứng có thể có của người tiêu dùng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, đánh giá tình hình hiệu quả các hoạt động marketing của doanh nghiệp.

- Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh, theo dõi các hoạt động marketing của họ,  đề xuất kế hoạch đối phó với cạnh tranh.

- Nghiên cứu, phát hiện ra những nhu cầu mới của khách hàng và thiết kế sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của họ

Các chuyên viên nghiên cứu marketing có thể làm việc tại các:

- Phòng marketing của các công ty, tập đoàn

- Công ty nghiên cứu thị trường (Market research agency)

- Công ty dịch vụ tư vấn marketing và kinh doanh.

- Làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức nghiên cứu, có hoạt động nghiên cứu về marketing

3.2 Quản trị marketing

Hoạt động marketing gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy nó cũng cần được quản trị.

Công việc quản trị marketing có một số nhiệm vụ chính như:

-      Thiết lập, quản lý và khai thác các hoạt động nghiên cứu marketing

-      Xây dựng các chiến lược và kế hoạch marketing dựa trên thông tin nghiên cứu thu được.

-      Tổ chức thực hiện các chiến lược và kế hoạch marketing đã xây dựng.

-  Giám sát và kiểm tra tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch marketing từ đó đề xuất các hướng cải tiến và biện pháp điều chỉnh.

-      Xây dựng ngân sách và quản lý việc sử dụng ngân sách marketing

-    Phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận khác để hoạt động marketing đạt hiệu quả nhất

3.3 Truyền thông marketing

Truyền thông marketing là một hoạt động quan trọng trong chương trình marketing tổng thể của hầu hết các công ty và tổ chức. 

Cách mà một doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng của mình ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Các hoạt động truyền thông phổ biến hiện trong marketing hiện nay như:

- Quảng cáo

- Quan hệ công chúng bằng các phương tiện như:

+ Bản tin, bài nói chuyện, thông cáo báo chí;

+ Tổ chức các sự kiện;

+ Tài liệu in ấn, tài liệu nghe nhìn;

+ Hoạt động tài trợ cho các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao;

+ Website 

Đọc thêm: TỔNG QUAN VỀ NGÀNH TRUYỀN THÔNG

3.4 Digital marketing  Digital Marketing là hoạt động marketing sử dụng nền tảng kĩ thuật số.  Digital Marketing gồm hai kênh chủ yếu sau:  - Kênh Internet marketing như: website, email, google, youtube, facebook, mobile app... - Các kênh tiếp thị số không dùng internet: Tivi, đài, SMS, bảng điện tử,...  Digital marketing có thể ứng dụng trong việc bán hàng trực tiếp (Marketing trực tiếp) hoặc sử dụng trong hoạt động truyền thông marketing.   Với sự phổ biến và phát triển của các thiết bị kĩ thuật số như ngày nay thì Digital marketing giúp cho hoạt động marketing hiệu quả hơn nhiều lần so với marketing truyền thống.  Chính vì vậy lựa chọn công việc trong lĩnh vực Digital Marketing sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến tốt.

3.4 Digital marketing

Digital Marketing là hoạt động marketing sử dụng nền tảng kĩ thuật số. 
Digital Marketing gồm hai kênh chủ yếu sau:

- Kênh Internet marketing như: website, email, google, youtube, facebook, mobile app...

- Các kênh tiếp thị số không dùng internet: Tivi, đài, SMS, bảng điện tử,...

Digital marketing có thể ứng dụng trong việc bán hàng trực tiếp (Marketing trực tiếp) hoặc sử dụng trong hoạt động truyền thông marketing

Với sự phổ biến và phát triển của các thiết bị kĩ thuật số như ngày nay thì Digital marketing giúp cho hoạt động marketing hiệu quả hơn nhiều lần so với marketing truyền thống.

Chính vì vậy lựa chọn công việc trong lĩnh vực Digital Marketing sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến tốt.

3.5 Nhân viên phòng mua hàng

Marketing không chỉ bao gồm hoạt động bán hàng mà còn gồm các hoạt động mua nguyên vật liệu đầu vào với chi phí thấp nhất để đạt lợi ích cao nhất. 

Nhân viên phòng mua hàng chuyên tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên vật liệu phù hợp nhất và có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của cty.

3.6 Nhân viên bán hàng (nhân viên kinh doanh)

Nhân viên bán hàng hoặc còn gọi là nhân viên kinh doanh chính là những người trực tiếp tiếp xúc, thuyết phục khách hàng và thúc đẩy họ mua hàng của doanh nghiệp.

Nếu như công ty đã có một sản phẩm đủ tốt, mức giá phù hợp với người tiêu dùng thì những nhân viên bán hàng là người trực tiếp truyền đạt những thế mạnh đó để thúc đẩy người tiêu dùng ra quyết định mua hàng. 

Đây cũng là đội ngũ những người trực tiếp lắng nghe những phản hồi của khách hàng về sản phẩm để tìm cách điều chỉnh những hạn chế của sản phẩm mà khách hàng chưa hài lòng.

Đối với nhiều doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên bán hàng là đội ngũ rất quan trọng vì họ mang về doanh thu cho công ty. Để công ty phát triển thì hoạt động marketing làm nền tảng và phát triển đội ngũ kinh doanh, bán hàng là mũi nhọn.

Chính vì vậy công việc nhân viên kinh doanh - bán hàng vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng rất cao.

3.7 Nhân viên chăm sóc khách hàng

Vị trí này có nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, lắng nghe các phản hồi của khách hàng sau khi tiêu dùng sản phẩm.

Họ cũng đảm nhiệm các vấn đề về bảo hành, bảo trì sản phẩm, sửa chữa và khắc phục sự cố,...

Hoạt động chăm sóc khách hàng ngày nay cũng được các doanh nghiệp hết sức chú trọng. Vì kiếm khách hàng thì dễ, giữ chân khách hàng mới khó. Có chăm sóc khách hàng tốt thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Vậy nên nhiều doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng được đào tạo hết sức chuyên nghiệp.

4. NGÀNH MARKETING PHÙ HỢP VỚI AI

Ngành marketing rất rộng, vì vậy phải căn cứ vào các công việc cụ thể để xem công việc đó phù hợp với nhóm người nào. Chẳng hạn

- Nhóm công việc NGHIÊN CỨU marketing sẽ phù hợp với những người có nhóm NGHIÊN CỨU trong trắc nghiệm nghề nghiệp holland.

- Nhóm công việc Quản trị marketing, nhân viên bán hàng, nhân viên mua hàng sẽ phù hợp với những người có nhóm Quản lý,

- Nhóm công việc về truyền thông marketing sẽ phù hợp với những người có nhóm nghệ thuật, xã hội

- Những công việc về digital marketing lại phù hợp hơn với những người có nhóm nghệ thuật và kĩ thuật.

- Nhóm công việc chăm sóc khách hàng sẽ phù hợp với nhóm Nghiệp vụ và nhóm Xã hội.

Như vậy có thể thấy cùng học ngành marketing nhưng việc định hướng nghề nghiệp khác nhau trong ngành là rất quan trọng. Nếu như không có sự hiểu biết và định hướng rõ ràng, rất có thể nhầm tưởng rằng mình chọn sai ngành nghề.

Tuy nhiên dựa trên đặc điểm về kiến thức đào tạo trong trường Đại học thì có lẽ nhóm Nghiên cứu và nhóm Quản lý là 2 nhóm phù hợp hơn cả.

Những công việc khác thì các bạn có thể học các chuyên ngành khác tốt hơn là học Marketing mặc dù sau này vẫn làm về marketing.

Chẳng hạn nếu bạn muốn làm về digital marketing thì có lẽ bạn học về công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện,... có lẽ sẽ phù hợp hơn học về marketing.

5. CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO HÀNG ĐẦU VỀ MARKETING

- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

- Trường Đại học Thương mại

- Đại học RMIT

- Đại học Kinh tế TP.HCM

- Trường Đại học Tài chính - Marketing

- Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

 6. KẾT LUẬN

Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu được khá nhiều kiến thức tổng quan về ngành Marketing rồi. Có thể nói marketing là ngành học sẽ không bao giờ lỗi thời, vì marketing giống như sự sống của một doanh nghiệp.

Ngày nay marketing cũng được ứng dụng rất rộng rãi, không chỉ trong hoạt động kinh doanh thương mại mà thậm chí được ứng dụng cả trong các hoạt động phi thương mại như chính trị, hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, xây dựng thương hiệu cá nhân…

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng bạn nên theo học marketing bằng bất cứ giá nào. Cần phải căn cứ vào khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn ngành học phù hợp nhất. 

Bởi vì sai lầm không những phải trả giá bằng tiền mặt mà còn phải trả giá bằng rất nhiều thứ khác như thời gian, công sức, trí tuệ , những stress, căng thẳng và những cảm xúc tồi tệ đó có thể đánh gục bất cứ một bạn trẻ nào.

NẾU BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH THÌ NHẤN NÚT CHIA SẺ GIÚP CHÚNG MÌNH NHÉ!

 


            

0 nhận xét:

Đăng nhận xét