Người theo dõi

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

TỔNG QUAN CHUYÊN NGÀNH - KINH TẾ QUỐC TẾ

hướng nghiệp chuyên ngành kinh tế quốc tế Bài giảng này sẽ giúp bạn hiểu được 5 điều sau:  1. Hiểu khái niệm chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ và một số lĩnh vực chuyên sâu?   2. Học KINH TẾ QUỐC TẾ ra thì làm việc gì? làm việc ở đâu?   3. Làm sao để biết bạn có phù hợp với ngành KINH TẾ QUỐC TẾ hay không?   4. Một số lời khuyên giúp bạn thành công trong ngành KINH TẾ QUỐC TẾ.   5. Gợi ý một số cơ sở đào tạo chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã hình thành từ lâu và đang từng bước lan tỏa sâu rộng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. 

Kể từ khi gia nhập ASEAN, WTO, CPTPP và nhiều tổ chức, hiệp định quốc tế khác nữa,.. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sự phát triển kinh tế vượt bậc trên thế giới và khu vực. 

Nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đang tìm đến Việt Nam như là một miền đất hứa cho cơ hội hợp tác, giao dịch kinh tế và kinh doanh. 

Ngược lại nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang không ngừng đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh thương mại và đầu tư tại thị trường nước ngoài. 

Chính vì vậy nhu cầu nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên ngành Kinh tế quốc tế tăng mạnh và có xu hướng gia tăng hơn nữa trong tương lai. 

Điều đó giải thích vì sao chuyên ngành Kinh tế quốc tế đang cực kì hot trong thời gian gần đây và vẫn đang là một ngành có nhu cầu đào tạo rất lớn trong tương lai. 

Tuy nhiên không phải cứ học ngành hot thì sẽ được tuyển dụng, sẽ có công việc tốt, lương cao. Mà còn tùy thuộc rất nhiều khía cạnh khác nữa…. 

Để biết những khía cạnh khác nữa là gì thì cùng Kiến thức hướng nghiệp tìm hiểu về ngành KINH TẾ QUỐC TẾ nhé. 

Nếu bạn thích xem video hơn là đọc thì có thể xem bài giảng dạng video ở đây nhé:

0. Bài giảng video - Tổng quan chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ 

      

HƯỚNG NGHIỆP - TỔNG QUAN CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ QUỐC TẾ 


Trước khi tìm hiểu, mình phải nhắc nhẹ các bạn điều này.

Vì đây là bài viết tìm hiểu về ngành học, nghề nghiệp mà, nên sẽ có một vài chỗ phải sử dụng từ vựng chuyên môn khiến bạn cảm thấy hơi mơ hồ, hơi khó hiểu, một tí. 

Mình sẽ sẽ cố gắng truyền tải một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. 

Nhưng dù có hơi khô khan, không gây cười như hài Trường Giang thì cũng ráng tìm hiểu bạn nhé. Tất cả vì tương lai, sự nghiệp của chính mình mà.

1. Khái niệm chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ và một số lĩnh vực chuyên sâu? 


- Kinh tế quốc tế (tiếng Anh là International Economics) là một chuyên ngành nghiên cứu nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới và mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền kinh tế ấy.
 
Chuyên ngành Kinh tế quốc tế đào tạo cho sinh viên những kiến thức nền tảng về :
- Kinh tế học, ngoại thương, tài chính, ...

- Các chính sách kinh tế đối ngoại, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, 

- Kiến thức về kinh doanh, đầu tư quốc tế và quản trị doanh nghiệp có yếu tố quốc tế.… 

Các kiến thức này sẽ là nền tảng để bạn học chuyên sâu hơn một số lĩnh vực như sau: 


- Chuyên sâu nghiên cứu về kinh tế học, các vấn đề kinh tế và hoạch định các chính sách kinh tế như: tăng trưởng, lạm phát, nợ công,... 

- Chuyên sâu thương mại quốc tế để tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa trên thị trường toàn cầu. 

- Chuyên sâu đầu tư quốc tế để tham gia vào hoạt động đầu tư trên thị trường quốc tế như đầu tư vào lĩnh vực giao thông, công nghệ, sản xuất,...hay mua bán, sáp nhập,... 

- Chuyên sâu vào các lĩnh vực kinh tế dịch vụ: y tế, giáo dục, du lịch, giải trí, ... 

- Hay các lĩnh vực khác như: Logistics, dịch vụ tài chính, bảo hiểm,... 

Việc phân chia như trên chỉ mang tính chất tương đối vì trong một nền kinh tế, lĩnh vực này không hoàn toàn tách biệt với lĩnh vực kia mà nó kết nối với nhau như hệ thống bánh răng giúp cho nền kinh tế vận hành trơn tru, hiệu quả. 

2. Học KINH TẾ QUỐC TẾ ra thì làm việc gì? làm việc ở đâu? 


- Nếu bạn chuyên sâu về nghiên cứu kinh tế, chính sách: 
có thể làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu hoặc làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo 

- Nếu bạn chuyên sâu lĩnh vực thương mại quốc tế:
có thể làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài,..có hoạt động thương mại quốc tế. 

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử như các sàn thương mại điện tử Amazon, Ebay, Alibaba,...cho phép bạn tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế mà thậm chí bạn chẳng cần sở hữu bất kì sản phẩm nào cả. 

- Nếu bạn chuyên sâu lĩnh vực đầu tư quốc tế:
bạn có thể làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. 

Bạn cũng có thể tham gia hoạt động đầu tư cổ phân, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trên toàn thế giới,...giống như các SHARKs trong chương trình SHARK TANK vậy. 

- Bạn cũng có thể làm việc trong ngành Logistics là các công việc liên quan đến hậu cần, vận tải. 

Bạn cũng có thể làm việc trong ngành Tài chính như là dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm cho hàng hóa, con người hoặc nguồn vốn,.... 

3. Làm sao để biết bạn có phù hợp với chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ hay không?

Để biết liệu bạn có phù hợp với chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ hay không? thì cứ làm trắc nghiệm nghề nghiệp mật mã Holland là sẽ biết liền nè. 

Chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ sẽ phù hợp với bạn nếu như kết quả trắc nghiệm cho thấy bạn thuộc một trong các nhóm Holland sau: 

Nghiên cứu, Quản lý, Nghiệp vụ, Xã hội. 

Tuy nhiên tùy vào đặc điểm của từng nhóm Holland mà bạn chọn lĩnh vực chuyên sâu phù hợp. Chẳng hạn:

- Nếu bạn mạnh nhất nhóm Nghiên cứu thì bạn học ngành này rất tốt, điểm ở lớp sẽ rất cao, bạn chọn nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế quốc tế và chính sách sẽ rất phù hợp. 

- Nếu bạn có nhóm quản lý thì có thể việc học ở trường sẽ hơi khó khăn với bạn, điểm sẽ không cao. 
Nhưng bạn sẽ rất phù hợp với các lĩnh vực về kinh doanh, quản trị, bán hàng,... Kiến thức ở trường sẽ là nền tàng, nhưng sẽ không đủ. 
Bạn cần học hỏi và trải nghiệm các hoạt động kinh doanh, bán hàng ngoài thực tế để tích lũy thêm kinh nghiệm… 

- Nếu bạn có nhóm Nghiệp vụ
Bạn phù hợp hơn cả với các hoạt động nghiệp vụ văn phòng mang tính quy trình, hệ thống giúp vận hành hoạt động kinh doanh. tại các doanh nghiệp. 

Ngoài việc học ở trường, bạn nên tham gia các khóa học đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu như nghiệp vụ ngân hàng, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nghiệp vụ kế toán,...sẽ rất tốt. 

- Nhóm xã hội là nhóm rất cần thiết nếu bạn muốn làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo. Hoặc sẽ bổ trợ cho bạn khi bạn làm các công việc phải giao tiếp với nhiều người. 

4. Một số lời khuyên giúp bạn thành công trong chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ

- BIẾT định hướng nghề nghiệp công việc, phù hợp.

Như mình đã phân tích nãy giờ thì chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ rộng lắm các bạn ạ. Có rất nhiều lĩnh vực hẹp, nhiều nghề khác nhau và công việc thì vô số. 

Nhưng để thành đạt trong bất kì ngành nghề, công việc nào Không phải là chuyện ngày một ngày hai. Để có được quả ngọt là cả một quá trình vun trồng, chăm sóc không ngừng cho cây nghề nghiệp. 

Vì vậy bạn cần sớm định hướng được nghề nghiệp, công việc phù hợp với mình. Tránh tình trạng đến năm cuối rồi, còn vài tháng là tốt nghiệp mà vẫn còn tơ lơ mơ, không biết nên làm nghề gì, công việc gì. 

Bạn có thể sử dụng một số công cụ trắc nghiệm mà mình đã giới thiệu ở những bài trước như: trắc nghiệm nghề nghiệp mật mã Holland, bản đồ nghề nghiệp, thông tin mô tả về ngành nghề công việc trên Internet hoặc phỏng vấn những anh chị đang làm nghề đó. 

- Ngoài việc học tốt ở lớp, bạn cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện hoặc đi làm thêm, mục đích là có thật nhiều trải nghiệm để khám phá bản thân và xác định ngành nghề, công việc mình sẽ theo đuổi. 

Nếu bạn đã làm những cách trên mà vẫn chưa xác định được thì có lẽ bạn có thể đến gặp chuyên viên tư vấn hướng nghiệp để được hỗ trợ. 

Nếu bạn không biết chuyên viên nào thì có thể inbox vào facebook của mình, mình sẽ hỗ trợ. 

- Điều tiếp theo là bạn nên thường xuyên tìm hiểu kiến thức về thị trường lao động trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi và sử dụng cho việc hướng nghiệp của bản thân.

Đó là kiến thức về các doanh nghiệp có tuyển dụng vị trí công việc của bạn, tại địa phương mà bạn muốn làm việc. Bạn tìm hiểu xem:

- Hoạt động kinh doanh của họ là gì?

- Họ thường tuyển dụng vị trí nào? 

- Nội dung công việc và những yêu cầu của họ về vị trí này ntn? 

- Môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp của họ ntn? 

- Cơ hội thăng tiến ra sao? 

- Nếu bạn làm việc ở đây liệu bạn có phù hợp không? 

Bạn có thể tìm thấy những công ty này trên các trang web, ứng dụng tìm kiếm việc làm hoặc website của các công ty. 

Bạn sử dụng những kiến thức này để trang bị cho bản thân có năng lực và yêu cầu phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mà bạn muốn làm. 

Ngay khi doanh nghiệp đó đăng tin tuyển dụng thì bạn có thể ứng tuyển ngay. Khả năng trúng tuyển lớn hơn rất nhiều. 

- Một điều nữa là, khi đã có kiến thức và nghiệp vụ vững chắc ở một lĩnh vực nhất định rồi. Bạn có thể tìm hiểu sang các lĩnh vực khác để nâng cao năng lực của bản thân và gia tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp. 

Chẳng hạn khi đã có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực tài chính, bạn có thể tìm hiểu thêm về công nghệ. Lĩnh vực công nghệ tài chính hay còn gọi là FINTECH cũng đang phát triển, ẩn chứa nhiều cơ hội phát triển. 

Hoặc là khi bạn đã rất vững trong lĩnh vực thương mại thì bạn có thể tìm hiểu thêm về công nghệ để cải thiện và nâng cao hiệu quả trong vận hành kinh doanh hoặc tìm ra những cơ hội kinh doanh mới. 

- Điều cuối cùng là bạn phải biết Sử dụng thật tốt Ngoại ngữ cho công việc. 

Trước hết là Tiếng Anh, Mình học kinh tế quốc tế mà, mình làm trong môi trường quốc tế nữa nên tiếng Anh phải thông thạo. Ngoài ra tùy đất nước mà bạn quan tâm, bạn có thể học thêm ngôn ngữ của họ. 

Hiện tại năm đối tác thương Mại lớn nhất của VIệt Nam gồm có Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy tiếng Anh, tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn là những ngoại ngữ mà bạn nên học và sử dụng tốt. 

Sử dụng tốt là phải nghe nói đọc viết được, dùng được trong công việc một cách hiệu quả. Chớ không phải học một bồ Ngữ pháp từ vựng mà không mở miệng không nói được câu nào là nát đấy. 

5. Một số cơ sở đào tạo chuyên ngành KINH TẾ QUỐC TẾ


Một số trường đào tạo tốt nhất chuyên ngành Kinh tế quốc tế đó là: Đại học Ngoại thương, đại học Kinh tế quốc dân, Đại học quốc gia, Học viện ngoại giao,.. 

Ngoài ra để chọn cho mình cơ sở đào tạo phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của bạn thì bạn có thể tìm hiểu thêm trên trang thongtintuyensinh.vn và các trang mạng khác nữa nhé. 

TÓM LẠI 

Đến đây các bạn cũng đã biết lý do mà mình khuyên các bạn không nên theo học Kinh tế quốc tế bằng mọi giá rồi chứ.? 


Nếu bạn không thích, không phù hợp với ngành này thì bạn sẽ học rất dở, làm việc rất dở và sẽ chẳng có nơi nào muốn thuê bạn làm việc cả đâu? Vì vậy đừng nên chọn một ngành Kinh tế quốc tế chỉ vì nó đang hot, là xu thế nhé… 

NẾU BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH THÌ CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY GIÚP CHÚNG MÌNH NHÉ !



            

0 nhận xét:

Đăng nhận xét